Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

[5.3.1] Trận tấn công Cồn Khe - Điện Ngọc - Điện Bàn - Quảng Nam ngày 12/5/1969

Trận tấn công Cồn Khe ngày 12/5/1969 qua báo Lao động:

http://laodong.com.vn/Lao-dong-cuoi-tuan/Hoi-uc-ve-nguoi-chien-si-dung-cam-kien-cuong/94682.bld
 Và rồi… bác Thùy, bác Trống và nhiều đồng đội của liệt sĩ Huỳnh Đức Công nghẹn lời khi kể lại giây phút cuối cùng của người chiến sĩ gan dạ anh hùng, đó là trận đánh ngày 12.5.1969.

Nhận nhiệm vụ, tiểu đoàn R20 tổ chức đánh tiêu diệt đồn địch tại Cồn Khe, đóng tại thôn 2, xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn. Trong đồn Mỹ đóng một tiểu đoàn, trong đó có 1 trận địa pháo 105 ly để khống chế cả khu vực rộng lớn gồm Điện Bàn, Hòa Vang, Đại Lộc, Duy Xuyên. Lúc đó, cấp trên họp bàn rất cụ thể, giao cho đồng chí Huỳnh Đức Công, Đại đội trưởng, Đại đội 1 vẫn làm mũi chủ lực, thọc sâu, đánh vào đầu não sở chỉ huy và trận địa pháo của địch. Giờ “G” là 1 giờ sẽ nổ súng.

Bác Trống nhớ lại: “Lúc đó mới 24 giờ ngày 11.5.1969, đơn vị đồng chí Công đang bò gần hết hàng rào đột kích đồn địch, thì đơn vị khu 3 Hòa Vang bị lộ. Đơn vị thọc sâu của đồng chí Công chỉ huy đã vào trong hàng rào được 14 đồng chí, trong đó có đồng chí Công dẫn đầu, còn lại giữa hàng rào và một số còn bên ngoài rào. Nhận lệnh rút lui, nhưng riêng 14 đồng chí đã bò vào trong hàng rào địch đã nổ súng đánh quyết chiến”.

Thế là trận đánh diễn ra, 14 đồng chí đã quả cảm kiên cường, đánh suốt đêm đến 10 giờ sáng ngày hôm sau, làm tiêu hao nhiều quân địch, nhưng toàn bộ 14 chiến sĩ quân giải phóng đã hy sinh trong trận đánh ngoan cường này.

Anh Lê Thành, ngụ tại xã Điện Nam Bắc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Bố tôi kể lại, lúc đó trận đánh ác liệt lắm, còn nghe các anh bộ đội giải phóng hô to Hồ Chí Minh muôn năm…! Sau buổi chiều hôm ấy, lính Mỹ kéo 13 bộ đội quân giải phóng đào hố chôn tập thể, còn 1 người là chỉ huy, thì chúng kéo ra sân xả súng bắn nát thi thể, ngày hôm sau chúng kéo ra ngoài và người dân tìm cách chôn cất, nhưng chỉ biết là một vị chỉ huy bộ đội giải phóng, chứ không biết tên tuổi, quê quán nơi đâu”.

Sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, người chỉ huy tài giỏi, oai hùng đó, chính là liệt sĩ Huỳnh Đức Công, được người dân chôn cất đã được đưa về nghĩa trang liệt sĩ huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nhưng bà con địa phương cũng chỉ biết đó là vị chỉ huy trong trận đánh đồn Cồn Khe ác liệt, chứ không biết tên tuổi, quê quán. Còn gia đình chỉ biết trên tấm bằng “Tổ quốc ghi công, liệt sĩ Huỳnh Đức Công-Đại đội trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam… đã hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước ngày 12.5.1969”. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét